Các mẹ tưởng rằng việc cắt tỉa lông mi, xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé...là rất tốt. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại.

1. Cắt tỉa lông mi

Các chuyên gia về sức khỏe trẻ em cho biết rằng, việc lông mi của trẻ dày hay dài không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố di truyền. Chính vì vậy, để con có một hàng mi dày và cong sau này nên nhiều bà mẹ đã thẳng tay cắt lông mi của bé ngay từ nhỏ.

Trên thực tế thì đây là một cách làm đẹp phản khoa học. Việc cắt lông mi của trẻ có thể khiến trẻ bị cản trở tầm nhìn và dẫn đến một số hậu quả xấu. Các mẹ nên biết rằng . Bình thường, lông mi của trẻ sẽ có khoảng 150 sợi, chiều dài của lông mi cũng khá ngắn. Cho dù lông mi ngắn hay mỏng thì nó cũng vẫn có tác dụng che chắn cho đôi mắt, cản bụi và hạn chế ánh sáng tác động trực tiếp vào mắt.

Ở trẻ nhỏ, mắt của bé còn yếu nên việc cắt lông mi không những không có tác dụng làm cho nó mọc dày hơn mà còn hạn chế các tác dụng bảo vệ của lông mi với mắt. Sau khi cắt, lông mi của trẻ sẽ ngắn hơn nên không có tác dụng bảo vệ mắt. Khi những sợi lông mi này mọc ra cũng sẽ không được mềm, vì thế dễ gây ra những căn bệnh như viêm kết mạc, viêm giác mạc và một số những triệu chứng khác.


2. Cạo trọc đầu cho trẻ vào mùa hè

Cạo trọc đầu cho trẻ vào mùa hè cũng là sai lầm khi chăm sóc trẻ mà các mẹ nên tránh. Cạo trọc đầu giúp trẻ mát hơn nhưng rất nhiều cha mẹ không biết rằng, việc cạo tóc cho trẻ cũng khiến con dễ bị sốc nhiệt trong mùa hè. Tóc có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, ngăn ngừa sự tiếp xúc của da đầu với ánh nắng mặt trời.

Khi cạo trọc tóc của bé sẽ khiến nhiệt độ da đầu quá cao dẫn đến đột quỵ nhiệt. Cạo trọc khiến da đầu của trẻ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dễ bị cháy nắng, ánh nắng chiếu vào khiến da đầu của trẻ bị mẫn cảm, ngứa và khó chịu. Hơn nữa, do tiếp xúc trực tiếp với muối có trong mồ hôi nên da đầu của trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Những vi khuẩn này nếu xâm nhập vào nang tóc có thể phá hủy nang tóc, gây kích ứng da đầu hoặc viêm nang lông. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển tóc ở trẻ mà còn có thể khiến trẻ bị hói.

Nguy hiểm hơn, nếu các vi khuẩn xâm nhập vào máu, có thể lây lan qua các tĩnh mạch não gây nhiễm trùng não, áp xe não và thậm chí là gây tắc nghẽn tĩnh mạch và nhiều bệnh liên quan.

Các bác sĩ khuyến cáo rằng, nếu tóc của con dài và mọc không đều, người lớn cũng không nên cạo trọc tóc của trẻ. Tóc mọc xấu hoặc không đều có thể liên quan tới yếu tố di truyền, yếu tố dinh dưỡng… Để khắc phục hiện tượng này, người lớn có thể cho trẻ ăn thêm quả óc chó, hạt vừng, để bổ sung vitamin, kẽm, sắt và nhiều chất khác. Những chất đó đều có tác dụng giúp tóc trẻ mọc nhanh, đều và dày hơn.

3. Lấy ráy tai thường xuyên

Nhiều mẹ có thói quen là sau khi tắm xong cho con liền lấy ráy tai cho bé. Bởi các mẹ nghĩ rằng phải lấy ráy tai thường xuyên cho con thì tai bé mới sạch và không bị viêm tai. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhi khoa, mẹ không nên lấy ráy tai cho con thường xuyên.

Khi mẹ lấy ráy tai con quá đều đặn mỗi ngày đã vô tình tạo điều kiện cho các khuẩn có hại xâm nhập vào tai làm hại con, gây viêm nhiễm tai ngoài. Đặc biệt là các loại côn trùng nhỏ như muỗi, kiến… rất có thể bay vào tai bé. Những trường hợp không cần thiết lấy ráy tai khi ráy chỉ đóng váng hơi dính vành ống tai. Ráy tai có kháng thể và là chất bảo vệ ống tai ngoài nên lấy ráy tai nhiều quá cũng là không tốt.

Mẹ nên kiểm tra ráy tai của con nhiều hay ít bằng cách dùng đèn chuyên dụng soi vào ống tai. Khi thấy ráy tai của con nhiều thì nên nhẹ nhàng lấy ra. Nếu mẹ không chú ý để ráy tai của con quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến thính giác của con. Bởi một khi ráy tai nhiều quá sẽ làm bít tắc ống tai ngoài, thậm chí nhiều trường hợp biểu bì da bong tróc mỗi ngày, bong ra mà không thoát ra được do ráy tai bít tắc gây viêm, thậm chí hủy xương và gây viêm ống tai.

Các mẹ nên lưu ý, vào mùa hè có rất nhiều các loại côn trùng nhỏ như là muỗi, kiến hay gián…. Những loại côn trùng này rất dễ bay vào lỗ tai của bé, chúng sẽ khiến cho bé có cảm giác khó chịu. Trong trường hợp này các mẹ không nên dùng bất cứ vật gì vào tai bé để lấy chúng ra mà nên đến bệnh viện để các bác sĩ dùng các dụng cụ chuyên dụng gắp chúng ra ngoài. Trong điều kiện không thể đến được bệnh viện, mẹ có thể tự giải cứu cho con bằng cách dùng cồn nhỏ vài giọt vào bên trong tai bé cho côn trùng trôi ra ngoài.

4. Xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé

Dù con không bị ngạt mũi hay viêm mũi, nhiều mẹ vẫn cẩn thận xịt, rửa mũi hàng ngày cho bé để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên trên thực tế đây lại là sai lầm của mẹ làm hại con.

Theo các bác sĩ nhi khoa, mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Dù mũi hít phải không khí bẩn, vi khuẩn thì nó cũng ngăn lại, nên cơ thể mới không bị ốm. Khi đó mũi làm chức năng của mình rất tốt thì không việc gì phải vệ sinh, rửa mũi. Chưa kể cách vệ sinh không đúng còn gây hại cho mũi.

Các mẹ hay sử dụng nước muối để xịt mũi cho trẻ. Tuy nhiên dù lọ xịt nước muối biển rất tốt và có nhiều công dụng, các bố mẹ lưu ý không quá lạm dụng muối biển với trẻ nhỏ. Chỉ nên sử dụng nếu thấy thật cần thiết. Vì nếu xịt rửa nhiều quá sẽ làm trẻ rát mũi, kích thích mũi, ảnh hưởng đến niêm mạc mũi rất khó chịu.

Nhất là khi trời lạnh, bố mẹ càng không nên xịt mũi cho con bằng nước muối biển. Vì cường độ áp suất cực mạnh và hơi lạnh tỏa ra có thể làm hỏng niêm mạc mũi của bé. Nếu áp suất bình xịt mạnh sẽ tạo dụng ngược là cuốn hết mũi dãi xuống cổ họng các bé, làm các con sẽ dễ bị ho. Với các bé sơ sinh, mẹ chỉ nên nhỏ nước muối sinh lý Nacl 0,9% cho con. Trước khi nhỏ, mẹ cũng nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng, làm ấm lên trước khi nhỏ cho con.

5. Ủ ấm khi con bị sốt

Ủ ấm khi con bị sốt cũng được đánh giá là một trong những sai lầm khi chăm sóc trẻ. Khi trẻ bị sốt cao, mẹ nên giữ cho môi trường quanh bé trong lành. Mẹ nên cởi bỏ bớt quần áo cho bé thông thoáng. Tuy thế, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa thực sự tuân thủ lời khuyên trên. Họ vẫn sợ con lạnh, ủ ấm cho con bằng nhiều lớp chăn, quần áo. Hiện tượng này thực sự nguy hiểm nó sẽ gây tổn thương tới não của bé, thậm chí là bị co giật ngay tức thì.

Khi thân nhiệt của trẻ đang tăng cao, đáng lẽ ra phải mặc quần áo thoáng mát cho con để hạ sốt thì nhiều mẹ lại ủ ấm khiến thân nhiệt trẻ càng tăng, dễ gây nguy cơ sốt co giật. Thậm chí có nhiều mẹ còn chườm đá, chườm lạnh. Các bác sĩ nhi khoa cho biết, thực chất việc chườm đá, chườm lạnh chỉ làm mát tại vị trí được chườm, nhưng trên thực tế nó có thể gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài hơn, gây sốt cao hơn.