Quá trình phục hồi sau tai biến mạch máu não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ liệt, độ tuổi, sức khỏe người bệnh… Muốn tái hoà nhập bệnh nhân phải tự thực hiện được các loại vận động và chức năng tương ứng ở các vị thế.



Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến, phục hồi vận động chân ở vị thế đứng và vận động cánh tay nhằm giúp người bệnh sau tai biến có thể tự phục vụ cho những sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống hàng ngày:

Bài tập phục hồi chân ở vị thế đứng cho bệnh nhân sau tai biến

Bài tập 1: Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân

Bệnh nhân tai biến mạch máu não đứng tựa hông bên lành cạnh mép bàn, hoặc vịn nhẹ tay lành lên mặt bàn, hai bàn chân ngang bằng nhau, cách nhau 15-20cm. Người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hông ra trước, gấp chân liệt lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang bên chân lành, giữ như vậy vài giây. Sau đó từ từ duỗi chân liệt ra. Rồi gấp chân lành lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang chân bên liệt. Giữ như vậy vài giây rồi làm lại như lúc bắt đầu.

Có thể hướng dẫn bệnh nhân tập bằng cách đứng tựa nhẹ mông vào mép bàn, hai bàn chân ngang nhau, cách nhau 15-20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó bệnh nhân lần lượt chuyển trọng lượng sang chân bên lành, giữ như vậy vài giây rồi lại chuyển sang chân bên liệt luân phiên như vậy.

Bài tập 2: Tập gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên liệt

Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân cách nhau khoảng 15-20 cm, chân lành ở trước chân liệt ở sau. Sau đó, bệnh nhân chuyển trọng lượng ra trước, dồn trọng lượng lên chân bên lành. Khi toàn bộ trọng lượng cơ thể đã dồn lên chân lành ở phía trước, người tập yêu cầu bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp háng và khớp gối bên chân liệt.

Lưu ý khi gấp khớp háng và khớp gối chỉ nâng gót chân bên liệt (không nhấc cả bàn chân) lên khỏi sàn nhà. Hoặc người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân ngang nhau cách nhau khoảng 15-20 cm ,sau đó dồn trọng lượng lên chân bên lành rồi tập gấp, duỗi khớp gối và khớp háng bên liệt.

Bài tập 3: Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân

Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, hai tay thả lỏng dọc theo thân, hai bàn chân cách nhau 15 – 20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân lần lượt lấy chân trái làm trụ, dạng chân bên phải ra, nhấc bàn chân lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên trái. Người tập luôn đứng về phía bên liệt của bệnh nhân để hỗ trợ khi cần thiết và đề phòng bệnh nhân ngã về phía bên liệt.

Tiếp đến lấy chân phải làm trụ, dạng chân bên trái ra, nhấc bàn chân trái lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên phải. Để đảm bảo an toàn nên cho bệnh nhân đứng bên cạnh một vật gì đó (bàn, tường, thanh song song…) để bệnh nhân có thể vịn đỡ khi cần thiết.

Bài tập 4: Tập đứng thăng bằng

Bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân (thăng bằng tĩnh), nếu cần trợ giúp người tập đứng về phía bên liệt. Hướng dẫn bệnh nhân tập quay đầu nhìn ra sau qua vai bên liệt và vai bên lành; đứng và vận động thân mình: cúi, ngửa, nghiêng, xoay; đứng và vận động tay: đưa tay lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái (thăng bằng động).

Bài tập 5: Tập dồn trọng lượng lên chân liệt

Bệnh nhân đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, giúp bệnh nhân duỗi thẳng tay sang ngang, khớp vai vuông góc. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó bên cạnh, cao 15-20cm. Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng trong thanh song song, hai tay vị nhẹ lên hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó phía trước cao 15-20 cm.

Khi khả năng thăng bằng và vận động của bệnh nhân đã tốt hơn, có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng thẳng, sau đó chuyển trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó cao 20- 30cm ở phía trước mặt để dồn trọng lượng cơ thể lên chân bên liệt.

>>> Xem Bài Tập Phục Hồi Chức Năng Sau Tai Biến: https://tapvatlytrilieutainha.com/ba...ung-giai-doan/

Cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân đứng, bước và đặt bàn chân liệt lên một bục tập (hoặc vật gì đó cố định vững chắc) cao 15-20 cm ở phía trước. Sau đó nhấc chân lành lên rồi đặt xuống như cũ, hoặc đặt bàn chân lành lên bục tập cùng với chân liệt, hoặc bước chân lành qua bục tập sang phía bên kia.

2, Bài tập phục hồi vận động cánh tay cho bệnh nhân sau tai biến

Không chỉ về bài tập về vị thế đứng, bệnh nhân tai biến mạch máu não cũng cần được phục hồi về tay, vai, khuỷu tay để trợ giúp cho những động tác như cầm, nắm và kéo. Để phòng ngừa khuỷu tay, cổ tay và ngón tay bị co rút, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập như:

Bài tập 1: Tập duỗi thẳng khớp cổ tay hai bên

Giúp bệnh nhân đứng cạnh bàn, cài các ngón tay 2 bên vào nhau. Xoay ngửa lòng bàn tay và áp lòng bàn tay xuống mặt bàn. Duỗi thẳng 2 tay, ngả người về phía trước để dồn trọng lượng lên 2 tay cho tới khi khớp cổ tay duỗi tối đa.

Bài tập 2: Tập duỗi thẳng khớp cổ tay bên liệt
Bệnh nhân ngồi. Dùng tay lành làm duỗi các ngón tay bên liệt và làm duỗi cổ tay rồi đặt xuống mặt giường cạnh thân. Dùng tay lành giữ khớp khuỷu bên liệt duỗi thẳng và nghiêng người sang bên liệt để dồn trọng lượng lên tay liệt.

Bài tập 3: Tập duỗi tối đa khớp cổ tay

Cài các ngón tay 2 bên vào nhau. Đưa 2 bàn tay lên sát cằm, dùng lực của bàn tay làm duỗi tối đa cổ tay bên liệt. Có thể tựa vào má và cằm rồi giữ yên trong thời gian lâu.

Ngoài các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến cùng các bài tập phục hồi chức năng trên thì tinh thần thoải mái vui vẻ là rất quan trọng đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não. Vì vậy, cần hạn chế tối đa những muộn phiền, bức xúc, sang chấn tâm lý cho bệnh nhân.

Người nhà nên hiểu được vấn đề này để tránh gây áp lực lên bệnh nhân sau khi bị đột quỵ tai biến. Ngoài ra, bệnh nhân tai biến mạch máu não cũng tự tạo cho mình tâm lý thoải mái, lạc quan, không tự ti mặc cảm, điều này sẽ mang lại những lợi ích trong việc cử động tay và thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày.