Thực trạng bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam
Những năm gần đây, bất động sản nghỉ dưỡng luôn là phân khúc thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với giới đầu tư ở Việt Nam. Điều kiện thiên nhiên và tổc độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ là những cơ sở để phát triển và hình thành các dự án nghỉ dưỡng, đặc biệt là hai hình thức bất động sản nghỉ dưỡng ven biển và hướng núi. Việt Nam có khoảng 45.650 phòng sắp gia nhập thị trường trong giai đoạn 2019-2022 (trung bình 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm) chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại. Cụ thể, Quy Nhơn có 2.250 phòng, Đà Nẵng có 12.600 phòng, Nha Trang và Cam Ranh có 17.800 phòng với tỷ lệ căn hộ khách sạn (condotel) lần lượt đạt 58-77-82% cho ba điểm đến này. Số lượng dự án đã và đang được hoàn thiện tuy khá nhiều, nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để tình trạng “cung không đủ cầu”. Chính lý do khan hiếm nguồn cung đã khiến dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài hiện đang trở thành loại hình được nhà đầu tư săn tìm với kì vọng đạt mức chênh lệch cao. Tất cả góp phần tạo nên sức nóng cho phân khúc thị trường này.

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đầy tiềm năng
Vấn đề pháp lý của một số hình thức bất động sản nghỉ dưỡng
Tuy sở hữu tiềm năng phát triển cực lớn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang phải đối mặt với một trở ngại cực lớn, vấn đề pháp lý. Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định về các hình thức condotel, shoptel, officetel… ở Việt Nam. Hãy lấy một ví dụ về condotel để làm rõ nhận định này. Một số chủ đầu tư đã cam kết với nhà đầu tư thứ cấp sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở đối với căn hộ condotel. Thế nhưng cam kết này không phù hợp với quy định tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai đã quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm, tại những vùng khó khăn thì không quá 70 năm. Hay một số vấn đề với condotel như các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua…Các hợp đồng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng cũng chưa đề cập tới một vấn đề rất đáng lo ngại trong tương lai là nếu chủ đầu tư, nhà quản lý không thể thực hiện cam kết trả đúng lợi nhuận hằng năm cho nhà đầu tư thứ cấp thì phải giải quyết như thế nào.
Giải pháp trong tương lai
Cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành hành lang pháp lý dành cho phân khúc này để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển thị trường bền vững. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)...

Khi các bất cập trong văn bản pháp luật được quy định cụ thể, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng minh bạch hơn. Quyền lợi của nhà đầu tư được cụ thể chi tiết: quyền sở hữu (lâu dài hay đất thương mại dịch vụ có thời hạn là 50 năm); giải pháp của chủ đầu tư và đơn vị quản lý không giữ được cam kết lợi nhuận hàng năm; quyền mua bán, giao dịch, chuyển nhượng; quyền gia hạn khi hết hạn sử dụng…Hành lang pháp lý này giúp các nhà đầu tư thứ cấp an tâm hơn trong việc tìm hiểu và chi tiền đầu tư, góp phần đảm bảo an toàn thị trường giao dịch, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển ngày một ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.